Trong vài năm gần đây, cây Chùm ngây (Moringa oleifera Lam.) ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Với thành phần hóa học đa dạng, hầu hết mọi bộ phận của Chùm ngây đều có những công dụng nhất định. Các nghiên cứu về thành phần hóa học, kỹ thuật chiết xuất trên đối tượng lá Chùm ngây hiện nay cho phép sản xuất các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, các bộ phận của cây như lá, rễ, hạt, vỏ cây, quả và hoa Chùm ngây có hoạt tính điều hòa hoạt động hệ tim mạch và tuần hoàn, hoạt tính kháng khối u, hạ nhiệt, kháng viêm, chống oxy hóa, bảo vệ gan và kháng nấm,… Đặc biệt, với hàm lượng lớn protein và acid amin, lá Chùm ngây hiện được tổ chức Y tế thế giới WHO và Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) xem như là giải pháp dinh dưỡng ưu tiên cho các bà mẹ thiếu sữa và trẻ em suy dinh dưỡng, đồng thời là giải pháp lương thực cho các quốc gia thuộc thế giới thứ ba.
Sấy phun là phương pháp được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực để chuyển dung dịch, hỗn dịch, nhũ tương thành dạng rắn bằng cách sấy nhanh những giọt chất lỏng mịn trong môi trường không khí nóng. Do thời gian tiếp xúc giữa nguyên liệu dạng lỏng với nguồn nhiệt là rất ngắn nên đây được xem là phương pháp phù hợp để chuyển dạng các cao chiết từ dược liệu, cũng như các sản phẩm có các chất dễ bị phân hủy bởi nhiệt độ. Việc ứng dụng quy trình sản xuất bột hòa tan từ cao chiết lá Chùm ngây bằng phương pháp sấy phun là phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước để tạo ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao (lượng protein toàn phần không thấp hơn 90% so với nguyên liệu đầu vào), tan được trong nước để dễ dàng được sử dụng trong thực tiễn.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả kinh tế
Quy trình tối ưu hóa điều chế cao lỏng từ lá Chùm ngây có tính kinh tế, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của sản phẩm đầu ra (sử dụng thời gian, lượng dung môi và nhiệt độ vừa đủ để chiết được nhiều hoạt chất ra khỏi dược liệu).
Cao bán thành phẩm tạo thành được tiêu chuẩn hóa đầy đủ các chỉ tiêu theo quy định của DĐVN IV gồm: cảm quan, mất khối lượng do làm khô, pH, độ ẩm, độ tro toàn phần, định lượng kim loại nặng, định tính flavonoid bằng sắc ký lớp mỏng. Định lượng protein bằng phương pháp định lượng Nitrogen trong hợp chất hữu cơ, định lượng acid amin bằng HPLC với kết quả cao bán thành phẩm (tính trên cao khô kiệt) từ lá Chùm ngây phải có hàm lượng protein ≥ 14,0%, và hàm lượng acid amin ≥ 6,0%. Kết quả khảo sát độc tính cấp đường uống cho thấy tính an toàn của cao chiết từ lá Chùm ngây (không thể hiện độc tính cấp đường uống trên chuột nhắt trắng với liều Dmax là 24g/kg).
Quy trình sản xuất bột trà hòa tan từ cao lá Chùm ngây bằng phương pháp sấy phun cho phép tạo ra sản phẩm có hàm lượng protein không nhỏ hơn 5,2% (đạt 90% lý thuyết), có giá trị ứng dụng thực tiễn cao do công nghệ này rất phổ biến trong sản xuất dược phẩm – thực phẩm ở quy mô công nghiệp.
Bột trà hòa tan được trộn với mannitol tỷ lệ 1/1 và phân liều trong gói nhôm (4g/gói). Sản phẩm có mùi vị dễ chịu, đạt các chỉ tiêu về cảm quan, độ ẩm, tính tan, định tính và định lượng; ổn định ở điều kiện lão hóa cấp tốc và điều kiện thường sau 3 tháng. Chi phí sản xuất chỉ khoảng 500-600 đồng/gói trà hòa tan.